





![]() | Hôm nay | 25 |
![]() | Hôm qua | 21 |
![]() | Tuần này | 97 |
![]() | Tháng này | 309 |
![]() | Tổng cộng | 71511 |
Thi Văn Giáo Lý Phật Giáo Bửu Sơn Kỳ Hương
VẤN ĐÁP
VIỆC TU HÀNH – TẬP 1
*****000*****
Để cho tín đồ và mọi người hiểu rõ việc Tu hành, đi đúng đường lối. Đức Thầy đề ra 28 mục Vấn Đáp cho chúng ta học và làm theo Chơn Lý Phật
Tập Vấn Đáp này, Đức Thầy viết tại Làng Thường Lạc Huyện Hồng Ngự, Tỉnh Châu Đốc vào năm Bính Tuất 1946.
1. Vấn: Tại sao ta phải Tu ?
Đáp: Bởi tôi quá thương tôi và tôi sợ quả báo. Nếu tôi chẳng Tu, tôi gây ác nghiệp thì đời tôi khổ sở. Vì thế mà tôi cần phải Tu để giải thoát oan nghiệt và phiền nảo.
2. Vấn: Đạo là gì ?
Đáp: Đạo là đường chánh đáng,
Đạo để dắt người đến chổ trọn lành, trọn sáng, biết mình và biết người.
3. Vấn: Đạo ở đâu ?
Đáp: Đạo ở lòng ta chẳng ở xa, nếu ta giữ đặng trọn lành, trọn sáng, chẳng tạo ác nghiệp tức là ta đã Ngộ Đạo, chẳng còn ở đâu nữa.
4.Vấn: Phật và chúng sanh có khác nhau chăng ?
Đáp: Phật và chúng sanh đồng thể xác thịt, chỉ khác tánh:
- Phật là giữ trọn tánh lành.
- Chúng sanh theo tánh dữ.
5. Vấn: Cúng lạy có ích gì ?
Đáp: Cúng lạy có ích trong lúc ta mê, để nhắc nhở lòng ta và bó buộc thân tâm, chẳng sanh làm điều quấy.
6. Vấn: Khi tâm đã thành có nên Cúng lạy nữa chăng ?
Đáp: khi tâm đã thành, chỉ cần thực hiện bằng sự làm và giữ tâm lành. Chẳng cần cúng lạy, cầu khẩn nữa. Bởi chẳng vì đó mà ta làm Phật, nếu ta cứ chấp tay, cúng cầu khấn mãi, tức Ta còn mê chẳng gặp Phật và Ngộ Đạo nơi lòng.
7. Vấn: Linh hồn là gì ?
Đáp: Linh hồn tức là trí khôn.
8. Vấn: Bởi đâu có linh hồn ?
Đáp: Bởi ta hấp thụ không khí của Đất - Trời mà sanh ra ta.
9. Vấn: Thiên đường và địa ngục ở đâu ?
Đáp: Thiên đường ở chổ trọn lành, trọn sáng. Địa ngục ở chổ tối tăm, gây tạo ác nghiệp, đó chính là địa ngục vậy.
10. Vấn: Dùng tương chao có ích chi cho Phật chăng ?
Đáp: Dùng tương chao chẳng có ích chi cho ai cả. Đó là sự khổ hạnh để nhắc nhở lòng ta bớt dùng rượu thịt ( Gìn giữ lòng Nhân ).
11. Vấn: Khi tâm đã thành có nên dùng nữa chăng ?
Đáp: Khi tâm đã thành có chi dùng nấy, cần trọng sức khỏe và sự ăn uống cho hợp vệ sinh, sự làm ta cần hơn sự ăn, thế mới Đắc Đạo.
12.Vấn:Tu kết quả thành hiện tại hay ở nơi nào ?
Đáp: Tu thành tại thế, bởi ta gieo giống chi thì lên giống nấy. Làm lành thành Phật, làm ác thành ma, đều ở hiện tại cả.
13. Vấn: Chơn lý là gì ?
Đáp: Chơn là một vật rõ ràng, rờ đụng ngó thấy và biết đặng.
Lý là một lẽ của Đạo hay của đời.
Chơn lý tức là sự thật trong lẽ của Đạo, của Đời.
14. Vấn: Thờ phượng để làm gì ?
Đáp: Thờ phượng tức là một sự, để cho Ta tin tưởng và để nhắc nhở lòng Ta, hàng ngày giữ gìn lẽ phải.
15. Vấn: Thờ có Phật Trời ở đó chăng ?
Đáp: Nếu như Ta còn thấy Phật ở đâu, đó đều là giả cả. Ta chỉ tìm và thấy Phật ở lòng ta mới thật.
16. Vấn: Phật có dùng chè chuối không ?
Đáp: Phật chỉ chứng sự làm và tấm lòng thành thật, Phật chẳng dùng chè xôi, bánh trái hoặc bạc tiền.
17. Vấn: Luân hồi và quả báo là như thế nào ?
Đáp: Luân là luân chuyển,
Hồi là trở lại.
Ví như ta gieo giống chi, thì kết quả trở lại giống nấy, chỗ đó tức là luân hồi quả báo vậy.
18. Vấn: Tòa sen vàng và ngôi vị ở đâu ?
Đáp: Tòa sen vàng tức là ngôi báu, nếu lúc ta còn sanh tiền, ta biết làm sự công ích cho thiên hạ, thì ai cũng yêu vì kính mến. Đó là tòa sen vàng và ngôi vị của ta.
19. Vấn: Tụng niệm có ích gì cho Phật chăng ?
Đáp: Tụng niệm để cầu lý sữa mình, Tu thân, theo lời Phật dạy bảo, chẳng phải tụng niệm cho nhiều, mà thành Phật đặng, chổ đó là hiểu sai lầm.
20. Vấn: Tu cần phải ẩn non núi hay ở nơi nào ?
Đáp: Tu là sửa đổi không chi lạ. Nếu như Ta làm ác ở tại trần, thì Tu, ta củng phải ở tại trần, chẳng trốn đi đâu được. Ví dụ: Nợ ta gây ra, thì ta phải trả chứ không trốn tránh đi đâu cho hết nợ được.
21.Vấn: Thế thì Ta phải ở tại trần Tu mới được sao?
Đáp: Phải. Ta cần phải tu ở tại trần, nhưng lòng ta không nhiễm trần. lẫn tục mà ta không mến tục, mến đạo đức, làm sự công ích cho thiên hạ. Đây là nơi ta làm Phật và chứng Quả.
22. Vấn: Phước đức ở đâu Ta có ?
Đáp: Phước là Ta chẳng tạo ác. Đức là Ta mở rộng lòng Nhân, không ích kỷ, không hẹp hòi. Muốn mình củng như người và người củng như mình. Đây là phước và đức vậy, chứ chẳng phải do sự cầu khẩn, mà ta được Phước và Đức.
23. Vấn: Vậy thì cầu khẩn có kết quả gì ?
Đáp: Sự cầu khẩn sở dĩ là người quá ham muốn mà không cậy sức mình làm, hay là không đủ tài đức, chứ sự thật, cầu khẩn chẳng đem lại cho ai, hay là kết quả cho ta được.
24. Vấn: Thế thì Ta phải cậy sức Ta làm chăng?
Đáp: Phải. Muôn vật mọi sự, nếu ý ta muốn, Ta cần phải làm mới thành. Ta cần cậy sức Ta, vì Trời ban linh tánh cho Ta, Ta phải lấy đó mà ủng hộ cho Đạo và Đời. Ta theo lẽ phải, tức là thuận Trời, theo lẽ quấy, tức là nghịch Trời, thì đời ta sẽ thất bại và khổ sở.
25. Vấn: Tầm sự học Đạo có lỗi chăng ?
Đáp: Tầm Minh Sư học Đạo không có lỗi chi cả.
26. Vấn: Bội Sư phản Đạo là như thế nào ?
Đáp: Lẽ phải ta chẳng nghe, bất luận lời thật của một kẻ nào, đó là Bội Sư.
Việc chánh ta không chịu nhận để làm, đó là phản Đạo. Chứ chẳng phải gặp Thầy bất minh, rồi ta rời bỏ, mà gọi là Bội Sư Phản Đạo. Đó là ta tầm Sư và học Đạo vậy.
27. Vấn: Trung thành với ai, ai là Thầy Ta ?
Đáp: Trung thành với lẽ phải, Ta chẳng trung thành với một kẻ nào quấy, dầu kẻ ấy là thân yêu ruột thịt. Thầy Ta là một Chơn Lý cao siêu, chánh đáng, đó tức là Thầy Ta. Chẳng bao giờ Ta rời bỏ, và không kính mến.
28. Vấn: Muốn Đắc Đạo phải làm thế nào ?
Đáp: Muốn đắc đạo phải có 3 điều: Kiên Nhẫn – Hy Sinh – Cương Quyết.
- Kiên Nhẫn:
+ Kiên: Là lòng kiên cố chắc chắn.
+ Nhẫn: Là nhịn sự quấy chẳng làm.
- Hy Sinh: Là đem sự sống đối phó với cảnh nghịch, sự khó chẳng sờn.
- Cương quyết: Là sự quyết định mạnh mẽ, để thắng lòng ta,và cảnh nghịch.
Đây là đi đến chổ Đắc Đạo vậy.
***
VẤN – ĐÁP
VIỆC TU HÀNH – TẬP 2
Nhằm khai sáng nền Đạo Bửu Sơn, dẫn dắt tín đồ theo đường ngay lẽ chánh.
Đức Thầy viết ra tập Vấn-Đáp gồm 33 mục, để giúp mọi người hiểu biết được căn bản việc Tu hành, sáng suốt lựa chọn người lãnh đạo Tinh thần, Tín ngưỡng, để dẫn dắt đến chổ trọn lành, trọn sáng.
1.Vấn: Mục đích Tu hành của Đạo Bửu Sơn là gì?
Đáp: Nguyện vọng Tu hành của Đạo Bửu Sơn là mong cho nhân loại hạnh phúc và tự do, loài người không còn đau khổ, áp bức bất công, thực hiện bác ái, nhân đạo, và thực hiện đại đoàn kết,thương yêu, giúp đỡ ,không phân biệt màu da, nòi giống.
2. Vấn: Tại sao phải tìm Đạo chánh tu hành ?
Đáp: Đạo là con đường sáng tỏ chánh đáng. Những người đứng ra truyền Đạo, có người giả dối, mượn Đạo để tạo lấy đời, sống sang giàu cho riêng mình.
Muốn cần học Đạo, phải lựa người có đức hạnh, sáng suốt để dìu dắt mình, khỏi lầm lạc vào nẻo tà.
3. Vấn: Làm thế nào để biết kẻ chánh, tà ra truyền Đạo ?
Đáp: Muốn biết kẻ chánh tà, ta phải xem xét 3 điểm chánh yếu sau đây:
- Quan sát trên lý thuyết của Đạo đó, vì trên lý thuyết ai cũng có lý và chánh được.
- Quan sát trên Kinh Luật, Sách Vở, vì Kinh – Sám, Sách Vở ai cũng viết đặng lý đúng đắn.
- Quan sát kỹ việc làm, và quyết định. Vì việc làm là điều ta chú ý, xem hành động có thành thật, đúng đắn hay giả dối, để lừa gạt mình.
4. Vấn: Như thế nào mới biết hành động chánh đáng của kẻ dìu dắt mình ?
Đáp: Người hành động chánh đáng là luôn luôn muốn hòa bình, muốn đoàn kết thật sự đem đời mình lo cho Đạo và lo cho người, không ham muốn sang giàu trước cảnh đau khổ. Không vì hạnh phúc riêng mình, mà làm trái lại nguyện vọng của phần đông, dám hy sinh, dám chịu khổ trước cảnh nghịch, để làm cho Đạo, cho tín đồ và mọi người được hạnh phúc.
5. Vấn: Tôi không ăn chay, không vào Đạo nào, mà tôi chỉ ăn ngay ở thật được không ?
Đáp: Lý đạo rất cao sâu, không phải dễ dàng như ta tưởng, ăn ngay ở thật là đủ.
Nhưng muốn ăn ngay ở thật cũng không phải dễ làm. Nên cần phải có một Đạo nào đúng đắn, người dẫn dắt có đức hạnh. Vì vào Đạo có đủ phương pháp giúp ta học tập, sửa chữa, hiểu biết để làm đúng Pháp-Lý, thì mới trở nên trọn lành trọn sáng.
6. Vấn: Vào Đạo Bửu Sơn có ích gì cho mình không ?
Đáp: Vào Đạo Bửu Sơn trước hết có ích cho mình, cho thân quyến mình. Vì Tu theo Đạo Bửu Sơn, mình sẽ trở nên trong sạch, ai cũng yêu mến kính trọng mình. Đạo Bửu Sơn chủ trương đại đoàn kết, nên không Đạo, hay đảng Phái nào thù ghét, trong gia đình thì hòa thuận, êm ấm. Ta không gây ác quả, tức ta sẽ khỏi bị ác quả đem đến, được đồng đạo, đồng bào yêu thương, giúp đỡ mình mọi mặt, trong sứ mạng Tu hành và đời sống sẽ trở nên hạnh phúc.
7. Vấn: Vào Đạo Bửu Sơn có gì linh thính huyền bí không ?
Đáp: Đạo Bửu Sơn dạy theo đúng giáo lý Đức Phật Thích Ca, nên không có chi huyền bí. Chơn lý là cái lý có sự thật, những cái linh thính huyền bí phải thận trọng, kẻ tà đạo gạt mình ! ( Linh tại ngã, bất linh tại ngã ). Làm điều Chánh đáng, đó là kết quả của chính mình.
8. Vấn: Sự chê bai nhạo báng, giữa Đạo này hay Đạo nọ, có đúng không ?
Đáp: Hình thức Thờ Phượng, sự ăn mặc giữa Đạo này hay Đạo khác, tuy không giống nhau nhưng việc đó không phải là Chơn Lý. Để phân biệt việc Chánh hay tà, phải nhận xét ở việc làm mới đúng, việc Thờ Phượng, ăn mặc có khác là tùy sự Tín Ngưỡng của mình, hay phong tục tập quán ở đó, hoặc sự cải cách của các Đạo, nhưng chung quy, không ngoài Thờ Đấng Thiêng Liêng, những Bậc sáng lập Đạo, có công đức với đời, Thờ Công Lý. Nếu chỗ Tôn kính của người mà mình cho là ma quỷ, là tà đạo, như thế vô tình ta đã chạm đến phần Thiêng Liêng. Tôi ví dụ: Các Đạo Đảng Phái chân chính, màu sắc khác nhau, nhưng không khác mỗi người. Giống như mỗi chiếc đò, kiểu đóng và sơn phết khác nhau, nhưng chung quy, các chiếc đò ấy, cũng dùng để đưa người, qua sông, vượt bể vậy.
Đạo hay Đảng Phái nào, cũng không ngoài mục đích giúp đời tìm Chơn Lý, chứ không phải Đạo hay Đảng Phái nào chủ trương làm quấy, nhưng việc phải, quấy là tại người làm ( Nhân hư Đạo bất hư ) Vì vậy, nên Đạo Bửu Sơn rất kính trọng các Đạo và Đảng Phái, không vì sự Thờ Phượng,ăn mặc, màu sắc. Nhưng Đạo Bửu Sơn rất chú ý đến hành động của họ. Những hành động, việc làm bất chánh, chúng tôi đều không chấp nhận.
9. Vấn: Tại sao Đức Thầy phải chịu cực khổ, không hưởng cảnh lên xe xuống ngựa, sang trọng như các bậc Giáo Chủ khác ?
Đáp: Đức Thầy đã tự nguyện làm đầy tớ cho Đạo, cho mọi người và tín đồ, để dìu dắt tín đồ đến bờ bến vinh quang, khỏi cảnh chết chóc lầm than, nhưng nguyện vọng ấy chưa thành đạt, tín đồ Thầy còn chịu muôn ngàn áp bức, nghèo khổ, bất công, nên lòng Thầy còn chịu muôn ngàn ray rứt. Thầy không bao giờ vui hưởng, trước đau đớn của tín đồ,và mọi người mọi giới.
10.Vấn: Làm thế nào sự đoàn kết được bền chặt?
Đáp: Muốn sự đoàn kết được chặt chẽ trong Đạo hay trong xã hội cần có 5 điểm chánh như sau:
1. Phải có một nhận xét quang minh, một lập trường, đạo đức cao cả.
2. Tôn trọng và thành thật yêu thương giúp đỡ lẫn nhau.
3. Không còn bệnh địa vị, ỷ quyền thế, ly gián, tự cao tự phụ.
4. Mềm dẻo, tha thứ và cương quyết.
5. Phê, tự phê nhân ái, mạnh dạn nhận lỗi của mình và giúp đỡ người, trong mọi việc một cách chân thành.
* Năm điểm này làm cho đúng, tức sẽ đem lại sự đoàn kết, cho đời và đạo thật sự vậy.
11.Vấn: Thế nào mới xứng đáng là tín đồ Đạo Bửu Sơn ?
Đáp: Muốn xứng đáng là tín đồ của Đạo Bửu Sơn cần dựa năm điều sau đây:
Điều 1: Phải thực hành thương yêu và đoàn kết với mọi người, mọi giới, mọi Đạo hay Đảng Phái khác, trên công lý và lẽ phải.
Điều 2: Hòa ý muốn của mình trong ý muốn mọi người.
Điều 3: Trong sạch thanh cao và tự trọng
Điều 4: Bền chí chịu cực khổ để đem giáo lý của Đạo truyền bá giúp người.
Điều 5: Hòa thuận gia đình, kính trên nhường dưới không làm một việc gì lỗi lầm, hay để cho ai đau khổ vì lời nói, việc làm của mình.
12. Vấn: Tu sao không trường chay khổ hạnh ?
Đáp: Tâm mình chay, tức tâm mình trọn lành trong sạch, như thế đúng hơn, dùng tương chao cho tỏ chất khổ hạnh của mình vậy thôi, chứ không phải sự khổ hạnh là Giáo Lý của Đạo. Việc ăn có chi dùng nấy, miễn không giảm sức khỏe của mình,và cũng chẳng nên vô lý,đem sức khỏe của mình để chịu đựng gian khổ. Chịu khổ vì Đạo, là làm theo Tôn Chỉ của Giáo Chủ, đem sức khỏe để khuất phục gian khổ, để truyền bá giáo lý giúp đời, đó là ta không giết chết, sức khỏe của ta đó vậy.
13. Vấn: Như thế nào gọi là giải thoát tứ khổ: Sanh – Lão – Bệnh – Tử ?
Đáp:
- Sanh: Là sự sống, đời sống thanh cao trong sạch, đó là giải thoát Sanh Khổ.
- Lão: Là cái xác thịt già, nhưng trong lòng không già, vẫn còn tinh tấn. Hàng ngày tự bồi phúc đức đó là giải thoát Lão Khổ.
- Bệnh khổ: Là căn bệnh ở lòng, khi nào lòng người thanh tịnh, vui tươi, sáng suốt, có công giúp đời. Đó là căn nguyên giải thoát Bệnh Khổ.
- Tử khổ: Là cái chết còn tội lỗi, cái chết đê hèn, muôn đời bị nguyền rủa, con cháu bị ác quả lưu truyền. Khi nào chết đời mãi soi gương. Đó là Ta chứng quả vị, giải thoát Tử Khổ.
14. Vấn: Tam Quy – Ngũ Giới nghĩa là sao ?
Đáp: Tam Quy: Là Quy Y Phật – Pháp – Tăng
- Quy Y Phật: Là làm theo giáo lý Phật dạy: đi Chùa, ăn chay, giữ gìn giới cấm.
- Quy Y Tăng: Là biết nghe lời Thầy, là người thay thế mặt cho Phật, để dìu dắt chúng ta. Nghe theo lời nói và việc làm chánh đáng của mọi người, mọi giới, là Quy Y Tăng.
- Quy Y Pháp: Là làm theo phương pháp Phật dạy: ăn chay, cấm sát sanh vô lý, gìn giữ Ngũ Giới Răn, là 5 điều Răn.
* Điều 1: Ta không sát sanh hại vật, cấm sát hại vô lý các loài sanh sống như: Loài người, loài vật và thảo mộc có ích.
* Điều 2: Không nói ác, không sai lời, nói thế nào cho mọi người yêu thương, đoàn kết nghe theo việc phải. Nhưng đây là đối với chân lý kẻ thành thật, còn đối với kẻ gian xảo,ta tùy lời để bảo vệ mình, bảo vệ Đạo.
* Điều 3: Tà dâm, là kẻ chơi bời lãng mạn, có chồng có vợ, mà còn sanh lòng quấy. Đó là tội Tà Dâm.
* Điều 4: Không tập uống rượu, vì rượu vào sanh nóng nảy, mất bình tỉnh, có hại đến hạnh tu hành của ta, người tín đồ của Đạo Bửu Sơn.
* Điều 5: Không trộm cắp, gian xảo, lừa gạt người lấy của, chỉ nghỉ đến hạnh phúc riêng mình, mà làm hại cho người.
( Ngũ giới răn ).
15. Vấn: Nghĩa Lục Tự Di Đà như thế nào ?
Đáp:
Nam là nóng nảy diệt nơi lòng
Môgiữ trọn lành vẹn chữ không
A diệt tà dâm thuỷ thận
Di gìn thần khí, giữ cho đồng
Đà là sáng suốt, tâm hằng huệ
Phật giác không mê, vốn sạch không
Lục Tự sáu câu là sáu báu
Để trừ Lục Dục sẽ thành công.
16. Vấn: Thế nào gọi là Thất Kỳ Truyền hay Đắc Kỳ Truyền của Đạo ?
Đáp:
Thất Kỳ Truyền là sau thời gian hòa bình của nhân loại, loài người cạnh tranh nhau, nên Đạo đã bị xuyên tạc, giáo lý lúc ấy chỉ là công cụ để kẻ giả đối mượn dùng, để lừa phỉnh loài người, gây việc suy đồi tội lỗi, không thành thật gìn giữ giáo lý, đúng theo lời dạy của Phật. Đó là thời kỳ Đạo Thất Kỳ Truyền.
Đạo Đắc Kỳ Truyền là khi nào nhân loại chém giết nhau, gây đau khổ cho sanh linh, những hải hùng chán nản, chừng đó các nhà từ tâm thương đời, thấy cái nguyên cớ nên đứng ra cổ vũ công lý đạo nghĩa, đem lại hạnh phúc cho nhân sanh. Đó là thời kỳ Đắc Đạo Truyền.
17. Vấn: Tu phải ngồi Tịnh hay Tụng kinh ?
Đáp: Tịnh là do lòng mình thanh tịnh trước cảnh nghịch của phồn hoa đô hội. Trước cảnh giàu sang danh vọng quyến rũ, mà lòng mình không đam mê, tiêm nhiễm, đổi dời. Như thế mới gọi là thanh Tịnh. Tìm nơi vắng đó là cảnh Tịnh chứ chưa phải lòng Tịnh, tịnh cảnh này hồi xưa Phật ngồi suy nghĩ để tìm thấy căn nguyên Tứ Khổ và Chơn Lý Diệt Khổ. Nhưng pháp này Phật dạy rõ ràng, ngày nay khỏi phải ngồi mà tìm kiếm nữa.
Tụng Kinh: Lời Kinh Phật dạy cho ta hiểu lý, Tụng kinh là cầu lý để cho ta theo. Trái lại kinh tụng phần nhiều chử ( Phạn ) không ai giải lý, nên Tụng phần nhiều khó hiểu.
Nay chỉ đọc Kinh, Lý, Nghĩa, chỉ rõ cho đời cho mọi người nghe để Tu hành . Điều này rất cần và hữu ích.
18. Vấn: Trời là Đấng Tạo Hóa, mọi người tu sao không Thờ Trời mà lại Thờ Phật ?
Đáp: Trời chúng ta vẫn tôn Thờ, nhưng Thờ của chúng ta hơi khác. Bàn Thông Thiên đó là nơi tôn kính, Trời không thể thờ hình cốt, vì chúng ta không thể hình dung Trời được, còn Phật đã có phần xác thịt, để sáng lập Đạo, để dìu dắt đời. Chúng ta có thể hình dung Phật được,nên chúng ta Thờ bằng “Tượng” hay bằng cách nào thích hợp với Tín Ngưỡng của chúng ta là được. Tóm lại điều chánh yếu là Thờ công lý, Thờ bậc có công với đời, để soi gương mà Tu hành, chứ không phải Thờ cách này hay cách khác, để mong Đấng ấy cảm tình độ chúng ta thành quả.
19. Vấn: Luân Hồi – Nhân Quả như thế nào ?
Đáp: Luân: Là luân chuyển. Hồi là trở lại.
Thí dụ: Như một giống lúa tốt hay giống trái cây tốt, khi ta gieo trồng tức nó sẽ đậu bông, trổ trái tốt. Còn giống cây xấu tức nó sẽ đậu bông trổ trái xấu. Con người cũng thế, Cha Mẹ khỏe mạnh vui tươi, khi sanh đứa con cũng được khỏe mạnh không khác. Nếu Cha Mẹ bệnh hoạn yếu đuối, như mắc phải bệnh truyền nhiễm, tức đứa con ấy cũng không tránh khỏi bệnh. Đứa bé ấy là ai? tức là ta, luân hồi chuyển lại, nó là kiếp sau vậy.
Còn Nhân Quả: Là sự lành hay dữ của ta gây,việc lành hay dữ đó, sẽ trả cho ta hiện tại, hay chuyển lại kiếp sau của ta.
Thí dụ: Ta làm dữ, giết người gây tội, rồi ta chết đi, ác quả đời sau con cháu ta phải trả, mà con cháu ta, tức là kiếp sau của Ta.
Nếu như quả lành cũng thế, hoặc cũng trả cho ta hiện tại, nếu không thì trả lại cho con cháu ta, tức là kiếp sau của ta đó.
20. Vấn: Luân Hồi Lục - Đạo như thế nào ?
Đáp: Luân là luân chuyển. Hồi là trở lại. Lục Đạo là 6 đường,
Dựa vào Lục Căn của ta là: Mắt – Mũi – Miệng – Tai – Thân – Ý. 6 quỷ này thường gây khổ ải, luân chuyển nhiều đời, không giải thoát được nó là còn Luân Hồi Lục Đạo vậy.
21. Vấn: Người Đông Phương chết cầu về Tây Phương, người Tây Phương chết cầu về đâu ?
Đáp: Người Đông Phương chết cầu về Tây, Người Tây Phương chết cầu theo Phật.
22. Vấn: Phật thường ở đâu ? và cái Tâm mình thường ở chổ nào ?
Đáp: Phật thường ở lời nói, việc làm chơn chánh , hòa thuận, thương yêu, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, ở chổ sáng suốt và trong sạch. Còn cái Tâm mình thì, hễ Mắt ngó đâu, thì Tâm ở đó.
23. Vấn: Điểm quang minh của Đức Phật Thích Ca ( Hiện ) ở đâu ?
Đáp: Điểm quang minh của Đức Phật Thích Ca ( Hiện ) ở nơi đầu não, và việc làm của mọi người, đang Thờ kính giáo lý của Ngài.
24. Vấn: Thiên Đàng – Địa Ngục ở đâu ?
Đáp: Thiên Đàng và Địa Ngục ở nơi lòng và việc làm của người. Sáng suốt trong sạch, đó là Thiên Đàng, còn mê muội gây tội lỗi, tức là Địa Ngục.
25. Vấn: Cái đèn nhờ đâu mà sáng, Con người sáng ở đâu ?
Đáp: Cái đèn sáng nhờ chổ tối. Con người sáng nhờ chổ học tập, tìm kiếm, nhờ ở chổ khó và cảnh nghịch, trong việc làm của ta.
26.Vấn: Bát Chánh Đạo như thế nào ?
Đáp:
1. Chánh Kiến: Là nhìn xem, quan sát không cho sai lạc nẻo tà.
2. Chánh Tư Duy: Là sự tưởng nhớ Chơn Chánh.
3. Chánh Tinh Tấn: Là một sự quyết tâm, không lay chuyển trong đường Tín Ngưởng Tu Hành.
4. Chánh Ngữ: Là lời nói luôn ngay thẳng, Chơn Chánh.
5. Chánh Mạng: Là Chơn Tâm của mình, diệt Tà Tâm.
6. Chánh Định: Tức là mục Thanh Tịnh, nơi lòng không bao giờ nao núng trước cái khó khăn của Đạo.
7. Chánh Niệm: Là lúc Cầu nguyện phải Chơn Chánh.
8. Chánh Nghiệp: Là nghề nghiệp Chơn Chánh.
27. Vấn : Tứ Diệu Đề như thế nào ?
Đáp:
1. Tập đề: Là chịu tập chí tu hành.
2. Khổ đề: Là chịu khổ hạnh để đem Giáo Lý giúp đời.
3. Diệt đề: Là diệt tất cả lòng dục vọng bất chánh.
4. Đạo đề: Là con đường sáng tỏ, để dìu dắt người đến bậc Chánh Giác.
28. Vấn: Tứ Ân Hiếu Nghĩa như thế nào ?
Đáp:
1. Ân Đất Nước.
2. Ân Đồng bào Nhân loại.
3. Ân Tổ Tiên và Cha Mẹ sinh thành.
4. Ân Phật và ân Thầy dạy dỗ.
Đó là 4 ân của chúng ta.
29. Vấn: Tam Cang Ngũ Thường như thế nào ?
Đáp: Tam Cang là.
- Quốc Dân Cang: Là cang rất nặng, Con người ai ai cũng có bổn phận bồi đắp Quốc Gia, xây dựng xứ sở của mình.
- Phụ Tử Cang: Là Đạo cha con cũng nặng, nhưng phải lấy chính nghĩa mà hợp tình Cha Con mới đúng.
- Phu Thê Cang: Là Đạo vợ chồng, phải lấy câu hòa thuận, đúng đắn, để làm tròn bổn phận của mình.
* Ngũ thường là: Nhân – Nghĩa - Lễ – Trí – Tín.
- Nhân: Là phải gìn giữ lòng nhân của mình đối với người, hay loài vật có ích.
- Nghĩa: Là chánh nghĩa, là làm việc hữu ích, là phải có bổn phận giúp đời.
- Lễ: Là biết kính trên nhường dưới, ăn nói lễ độ, vui tươi và nhân ái, quân tử.
-- Trí: Là người có thái độ không chấp nệ kẻ lỗi lầm, sáng suốt biết nhìn xa trông rộng, làm sự hữu ích cho Non sông.
Tín: Là giữ lời thành thật, ngay thẳng không sai chạy với ai, đó là đối với kẻ thành thật.
30. Vấn: Tu để mong cứu Cửu Huyền Thất Tổ, mà cứu bằng cách nào ?
Đáp: Ta là con cháu của Cha Ông di truyền nối lại.
Thí dụ: Như giống lúa tốt, nếu ta không khéo giữ gìn, cày cấy, lưu truyền, trong thời gian nào đó, thì giống lúa hay nếp ấy, bị một thứ khác lộn vào, tức giống ấy bị tiêu diệt.
Tu là chúng ta biết chọn cày cấy, để giữ gìn giống lúa ấy mãi còn. Đó là cứu Cửu Huyền Thất Tổ mình vậy.
31. Vấn: Tam Hồn Thất Phách là thế nào ?
Đáp: Tam Hồn là 3 hồn gồm:
- Linh hồn: Là Hồn khôn.
- Giác hồn: Là Hồn biết đau đớn.
- Sanh hồn: Là Hồn biết sống.
Thất Phách: Phách biết giận, phách biết ghét, biết mừng, biết lạ, biết thương, biết giỡn, biết buồn.
32. Vấn: Con người nhờ đâu mà sống ?
Đáp: Con người nhờ có Ngũ Hành nuôi sống, sanh ra Ngũ Tạng, là nhờ có một tư tưởng trong sạch đúng đắn.
33. Vấn: Tôi muốn vào Đạo Bửu Sơn, nhưng trước đây tôi có Đạo khác, có Thầy dạy tôi, vào Đạo Bửu Sơn có phạm tội phản Thầy, phản Đạo không ?
Đáp: Tầm sư học Đạo trăm ngàn Thầy cũng không lỗi. Đó là người tầm Chơn Lý. Ta trung thành với lẽ phải, theo Chơn Lý, chớ chẳng phải theo người, không trung thành, mà gọi là phản Thầy, phản Đạo, phản Trời Phật. Ta biết cái đó là giả dối, mượn danh nghĩa Đạo Pháp, làm điều bất chánh, nhưng ta không cương quyết xa lánh kẻ đó, ta không chịu nghe theo lời thật của bất cứ một ai. Đó là Ta phạm vào tội phản Thầy, phản Đạo.
Vì Đạo là con đường Chơn Chánh, Thầy hay Phật là tượng trưng tất cả cái gì Chơn Lý, nhân đạo, đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ nhau. Như vậy là ta trung thành với Người, tức là bảo đảm cuộc đời Tu hành của ta vậy.
Chớ tưởng Tu hành được khỏi tai
Hay là hưởng phước được lâu dài.
Người Tu cũng vẫn theo duyên nghiệp
Có lúc quả nhồi, trả gấp hai.
***